Hội nghị xúc tiến đâu tư vào huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn (TP.HCM) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2022

TP.HCM Chuẩn Bị Tổ Chức Hội Nghị Xúc Tiến Đầu Tư Vào Huyện Hóc Môn Và Củ Chi.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ chủ trì Hội nghị. Thời gian diễn ra dự kiến vào cuối tháng 3 tới

Thông tin được đại diện Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đưa ra vào chiều 7/3.

Đại diện ITPC cho biết, theo kế hoạch, Hội nghị dự kiến diễn ra vào buổi sáng, từ 8h – 12h tại Hội trường Thành ủy TP.HCM.

Hội nghị xúc tiến đâu tư vào huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn (TP.HCM) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2022
Hội nghị xúc tiến đâu tư vào huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn (TP.HCM) dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3/2022

Trước khi diễn ra Hội nghị, TP.HCM sẽ tổ chức triển lãm 55 dự án kêu gọi đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. 55 dự án này chủ yếu liên quan đến các dự án hạ tầng giao thông, kỹ thuật; chỉnh trang đô thị; công nghiệp; nông nghiệp; thương mại dịch vụ và cuối cùng là giáo dục, văn hóa, thể thao.

Tổng vốn đầu tư kêu gọi vào 55 dự án nói trên vào khoảng 285.000 tỷ đồng (tương đương 12.400 triệu USD).

Về nội dung tại Hội nghị, đại diện ITPC cho biết, sau khi Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu khai mạc, phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu của đại diện các doanh nghiệp… sẽ tiến hành ký kết ghi nhớ đầu tư hợp tác 16 dự án giữa các doanh nghiệp với các Sở, ngành và giữa các doanh nghiệp với nhau.

Sau khi kết thúc Hội nghị xúc tiến đầu tư, Chủ tịch nước sẽ đến thăm các doanh nghiệp tại huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi.

Theo lịch trình, Chủ tịch nước sẽ đến thăm Khu dân cư đô thị xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và đến làm việc tại một dự án thuộc phân khu 7 tại xã Trung An, huyện Củ Chi.

Thông tin thêm về tình hình kinh tế, xã hội tháng 2/2022 của TP.HCM, ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết, kinh tế tháng 2/2022 tại Thành phố phục hồi khá nhanh và toàn diện, các chỉ tiêu phục hồi bằng và gần bằng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng có bước tăng trưởng, ước đạt khoảng hơn 89.000 tỷ đồng, tăng 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ giảm 3,1% so với tháng trước, ngành lưu trú và ăn uống tăng 18,1% so với tháng trước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Thành phố trong 2 tháng đầu năm ước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.

Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt gần 3.170.000 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt hơn 2.900.000 tỷ đồng, tăng 1,0% so với cuối tháng trước.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 88.000 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa tăng 19,07%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 1,35%.

Theo ông Toàn, mặc dù kinh tế Thành phố đang dần phục hồi trở lại, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn vẫn đang được kiểm soát tốt, nhưng sự xuất hiện và các mức độ ảnh hưởng khác nhau của biến chủng mới (Omicron) cũng phần nào ảnh hưởng.

Đồng thời, giá cả xăng dầu, hàng hóa, nhiên nguyên vật liệu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang có xu hướng tăng lên, gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 2 và dự báo trong suốt quý I năm 2022.

Do vậy, trong tháng 3/2022, UBND Thành phố yêu cầu Sở Công thương và các sở, ngành liên quan tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để xác định các vướng mắc, giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận chính sách tài khóa tiền tệ, các chính sách hỗ trợ của Trung ương.

Đồng thời, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Metro 1, chuẩn bị điều kiện khởi công Metro 2, khép kín đường Vành đai 2 song song triển khai Vành đai 3; tiếp tục hoàn thiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Đặc biệt, thành phố đang hoàn thiện khung về chương trình nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp, di dời nhà trên và ven kênh rạch, nhà thay thế các chung cư cũ…