Ảnh: Phùng My

Một ngày thưởng thức ẩm thực tại vùng “đất thép” Củ Chi

(SGTT) – Vừa tham quan vừa có thể tìm hiểu lịch sử, hằng năm, Củ Chi vẫn là một điểm đến được nhiều du khách lựa chọn cho dịp lễ 30-4. Vậy ẩm thực ở vùng “đất thép thành đồng” có gì thú vị không? Thực sự là có rất nhiều món khiến du khách cũng phải bất ngời.

Cách trung tâm TPHCM khoảng 30km, Củ Chi là một trong những huyện ngoại thành còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử. Dưới đây là một vài món ăn đặc trưng của vùng đất cách mạng này mà du khách có thể thưởng thức khi ghé thăm.

Bò tơ

Nói đến bò, không thể nào không nhắc đến bò tơ Củ Chi nức tiếng gần xa. Người dân thường nói với nhau rằng: “Đến Củ Chi chớ dại ăn bò. Dễ nghiền, dễ nhớ, dễ ở luôn”.

“Bò tơ tại đây đều là những con bò được lựa chọn vào khoảng 4-5 tháng tuổi, giai đoạn này, bò được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, nên thịt bò có độ mềm, ngọt tự nhiên và có vị thơm thoang thoảng của sữa”, một chủ quán bò tơ tại Củ Chi chia sẻ.

Có rất nhiều cách chế biến hấp dẫn cho món bò tơ như nướng, hầm, lẩu, nhúng dấm, nhúng mẻ, tái chanh… Tuy nhiên, để cảm nhận rõ nét nhất độ thơm ngon của thịt bò tơ, thực khách nên chọn dùng món thịt bò luộc chấm mắm chua.

Thông thường các quán ăn sẽ sử dụng thịt ba rọi hoặc bắp bò để chế biến. Miếng thịt bò mỏng mềm, được luộc hoặc hấp với hành lá và gừng, ăn kèm với rau sống, kết hợp với mắm chua được pha theo công thức riêng, không hổ danh là “dễ ghiền, dễ nhớ”.

Một phần bò luộc mắm chua thường có giá giao động từ 100.000-150.000 đồng. Ảnh: Phùng My
Một phần bò luộc mắm chua thường có giá giao động từ 100.000-150.000 đồng. Ảnh: Phùng My
Ảnh: Phùng My
Ảnh: Phùng My

Bên cạnh thịt bò luộc, du khách còn có thể thưởng thức thịt bò kết hợp với khoai mì trong món cháo dựng bò khoai mì hầm.

Dựng được gọi theo tiếng miền Nam để chỉ phần từ đầu gối con bò trở xuống, bao gồm xương, móng, và củ ngẳng (phần xương có nhiều da, nhiều gân tại các khớp nối của xương chân).

Một phần cháo dựng bò khoai mì cho 2 người ăn có giá từ 150.000 trở lên. Ảnh: Phùng My
Một phần cháo dựng bò khoai mì cho 2 người ăn có giá từ 150.000 trở lên. Ảnh: Phùng My

Món ăn này khi thưởng thức vẫn còn mùi đặc trưng của da bò thui, vị béo của củ mì và đậu xanh hầm nhừ, thêm vị ngọt thanh tự nhiên của thịt và xương ống, lâu lâu “chấm phá” vài miếng gân bò giòn sừn sựt, món cháo dựng bò khoai mì hầm được mệnh danh là một “bản hòa tấu ngọt ngào” của nhiều nguyên liệu.

Một vài địa chỉ mà du khách có thể thưởng thức các món bò tơ tại Củ Chi:

  • Bò tơ Vĩnh Xuân, số 262, quốc lộ 22, xã Tân Thông Hội. Mở cửa từ 7:00 sáng đến 22:00, giá giao động từ 100.000-150.000 đồng/phần
  • Bò tơ Xuân Đào, đường Nguyễn Giao, thị trấn Củ Chi, mở của từ 9:00 sáng đến 22:00, giá giao động từ 100.000-220.000 đồng/phần
  • Quán ăn Lâm bò, số 224A, đường Nguyễn Kim Cương, xã Tân Thạnh Đông, mở cửa từ 9:00 sáng đến 22:00, giá giao động từ 100.000-200.000 đồng/phần
  • Quán bò tơ Chính Cư, số 2 Phạm Văn Chèo, thị trấn Củ Chi, mở của từ 9:00 sáng đến 22:00, giá giao động từ 150.000-200.000 đồng/phần

Khoai mì

Củ khoai mì hay còn gọi là củ sắn (tiếng miền Bắc) là một món ăn dân dã đã cùng trải qua những tháng năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm với vùng đất Củ Chi. Ngày nay, món ăn này vẫn gắn liền với người dân nơi đây, đó cũng là một món ăn đặc trưng mà du khách nhất định phải thưởng thức khi đặt chân đến Củ Chi.

Ông Ngô Hữu, một người dân sinh sống lâu năm tại Củ Chi cho hay “trong thời chiến tranh, thiếu gạo, thiếu lương thực, chính nhờ những củ khoai mì để nuôi sống các chiến sĩ của ta”. Không nhớ có từ đâu và khi nào, ông Hữu đã thuộc nằm lòng 4 câu thơ được truyền miệng lại:

“Chiến đấu dẻo dai

Đều nhờ khoai với củ

Đánh giặc chạy lủ khủ

Cũng nhờ củ với khoai”

Giá của món khoai mì chấm muối mè rất bình dân, chỉ từ 5.000-15.000 đồng. Ảnh: Phùng My
Giá của món khoai mì chấm muối mè rất bình dân, chỉ từ 5.000-15.000 đồng. Ảnh: Phùng My

cần bước chân tới Củ Chi, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều hàng quán bày bán các món khoai mì như bánh ít khoai mì, khoai mì hấp nước cốt dừa, bánh tằm khoai mì, tuy nhiên, khi ngồi nghe người dân nơi đây kể chuyện thời chiến, thì chỉ có món khoai mì luộc chấm muối mè mới giúp thực khách cảm nhận được linh hồn của những câu chuyện ấy.

Nước mía sầu riêng

Trong cái oi oi của ngày hè, hầu hết những du khách đến đây sẽ thưởng ngay cho mình một ly nước mía sầu riêng mát lạnh.

Bên cạnh hai nguyên liệu chính, du khách sẽ cảm nhận trọn ven hơn hương vị của ly nước mía sầu riêng tại Củ Chi nhờ hai nguyên liệu phụ là nước cốt dừa và đậu xanh. Vị thanh mát, thêm chút béo ngậy, đậm đà cùng hương thơm đặc trưng đã làm cho món nước tưởng chừng đơn giản này nức tiếng gần xa.

Giá của mỗi ly nước mía sầu riêng chỉ từ 10.000-15.000 đồng, du khách có thể thưởng thức nước mía sầu riêng ở rất nhiều hàng quán dọc đường. Ảnh: Phùng My
Giá của mỗi ly nước mía sầu riêng chỉ từ 10.000-15.000 đồng, du khách có thể thưởng thức nước mía sầu riêng ở rất nhiều hàng quán dọc đường. Ảnh: Phùng My

Bánh tráng

Tuy không quá nổi tiếng như các loại bánh tráng Tây Ninh, nhưng bánh tráng Củ Chi cũng là một món ăn du khách không thể bỏ lỡ khi đến đây.

Đến với Củ Chi, đặc biệt là khu vực xã Phú Hoà Đông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cách làm bánh tráng truyền thống của người dân nơi đây.

Làng nghề bánh tráng tại Củ Chi dùng phương pháp làm bánh tráng thủ công truyền thống. Ảnh: Phùng My
Làng nghề bánh tráng tại Củ Chi dùng phương pháp làm bánh tráng thủ công truyền thống. Ảnh: Phùng My

Với kinh nghiệm mấy mươi năm làm nghề của người dân Củ Chi, cùng với nguồn nước ngọt thanh mát, không nhiễm phèn, đã giúp bánh tráng Củ Chi “vang danh” là một loại bánh tráng “nguyên thủy”, giữ được nét truyền thống với độ trắng trong và dẻo dai.

Ngoài xuất hiện trong các bữa ăn, bánh tráng Củ Chi còn được chế biến thành nhiều món ăn vặt hấp dẫn. Ảnh: Phùng My
Ngoài xuất hiện trong các bữa ăn, bánh tráng Củ Chi còn được chế biến thành nhiều món ăn vặt hấp dẫn. Ảnh: Phùng My